Bạn có thường xem ti vi hay lướt Internet rồi thấy những bài đăng về các bạn “con nhà người ta” một lúc xin được học bổng của nhiều trường (cái nào cũng trị giá VÀI TỶ), rồi phân vân không biết nên nhận học bổng của trường nào chưa. Có những bạn siêu nhân hơn nữa thì không cần xin học bổng mà được các trường MỜI sang học luôn, vì sở hữu profile quá khủng.
Không biết khi xem những tin tức đó xong, bạn có cảm giác như thế nào? Còn mình thì cảm thấy ngưỡng mộ các bạn đó lắm luôn, vì trong khi mình đang không biết làm thế nào để xin được học bổng thì các bạn ấy đang suy nghĩ nên đi nước nào, học trường nào. Sau đó thì mình lại tự ti vì nhìn xung quanh ai cũng tài giỏi, lại còn nhiều người muốn xin học bổng nữa thì tới khi nào mới đến lượt mình.
Nhưng đối với một “Sư tử” chính hiệu như mình thì điều gì càng khó thì càng làm mình thấy hứng thú và muốn chinh phục cho bằng được. Và sau một khoảng thời gian kiên trì, bền bỉ, cuối cùng mình cũng thành công trong việc săn học bổng toàn phần du học Đài Loan, để trở thành sinh viên chương trình thạc sĩ MBA của một trường top 234 thế giới (theo QS ranking).
Các bạn có muốn biết mình đã làm thế nào không? Vậy thì cùng đọc bài này để biết được các bước trong quá trình săn học bổng của mình nhé. Now, let’s goooo!
1. Bước đầu tiên: Xác định mục tiêu và kiên định đến cùng
Mình là một người rất thích tự do và xê dịch như rất nhiều bạn trong cái thế hệ trẻ này. Từ khi còn là một cậu bé, mình đã ấp ủ một giấc là được đặt chân đến những vùng đất mới, để khám phá, để trải nghiệm, để học hỏi, để…., và còn rất nhiều thứ nữa.
Ai lại không thế cơ chứ, vì tuổi trẻ có bao nhiêu đâu, không chỉ riêng mình mà chắc hẳn những bạn đang đọc bài viết này cũng đều là người mang cho mình những hoài bão lớn. Có thể rằng những dự định của chúng ta là khác nhau, nhưng mình và các bạn đều có một điểm chung là muốn chinh phục chúng, phải không nào?
Nhưng đời thì không như là mơ, trên hành trình đó, không phải vì lý do này thì cũng sẽ có những rào cản khác ngăn bước chúng ta. Và đối với mình kẻ cản đường đó có tên là TIỀN. Vì biết gia đình không có điều kiện, nên mình đã xác định ngay từ đầu, chỉ khi xin được học bổng thì mới có thể đi du học được. Và từ đó mình đã xác định được một mục tiêu lớn cho chặng được phía trước, đó là săn học bổng để đi du học.
Nhưng khác với những bạn “con nhà người ta” mà mình đã kể ở trên. Xuất phát điểm của mình rất thấp, kể cả về tư duy lẫn thể chất luôn. Chắc là vì vậy nên khi đó mình kể ước mơ đó với bất kì ai cũng chỉ nhận lại những câu nói châm chọc, cười giỡn. Nhưng mình vẫn thích nói ra vì đó là một trong những cách mà mình tạo động lực cho bản thân và mình tin vào bản thân, rằng một ngày nào đó mình sẽ thực hiện được nó.
Với mình thì việc săn học bổng nó như là một cuộc đua đường trường để kiểm tra độ quyết tâm và sự kiên trì của chúng ta ấy. Chừng nào bạn chưa bỏ cuộc thì lúc đó bạn vẫn là một “ứng cử viên sáng giá”. Bạn có thể xem hành trình thay đổi bản thân để chinh phục ước mơ du học của mình để tiếp thêm động lực nhé. Mình tin rằng một đứa như mình mà còn làm được thì nếu cố gắng mọi người sẽ còn xịn xò hơn rất nhiều nữa đấy.
2. Bước thứ hai: Chuẩn bị đầy đủ hành trang
Các bạn nghĩ “hành trang” đó bao gồm những gì? Là những bằng cấp, chứng chỉ từ các cuộc thi, hoạt động ngoại khóa? Đúng, nhưng chưa đủ! Những điều kể trên đều chỉ là những yêu cầu cần phải có để các bạn xin học bổng thôi. Ngoài ra các bạn còn cần phải chuẩn bị nhiều thứ khác nữa. Những gì bạn nên chuẩn bị trong balo là:
- Bằng cấp: Đương nhiên rồi, đây là yếu tố đầu tiên vì nó là điều kiện cần. Kể sơ qua thì ít nhất cũng phải có bằng tốt nghiệp, bảng điểm, chứng chỉ ngoại ngữ, một số chứng chỉ hoạt động xã hội. Và tùy theo theo từng quốc gia và loại học bổng sẽ yêu cầu thêm các bằng cấp khác, ví dụ như điểm SAT khi muốn đi du học Mỹ
- Kiến thức: Vì theo mình nghĩ, tuy bằng cấp quan trọng thật, nhưng chính những kiến thức mà bạn có mới chính là vũ khí quan trọng giúp bạn săn học bổng thành công đó. Không chỉ là kiến thức trên trường mà còn bao gồm cả kiến thức xã hội nữa ấy.
- Kỹ năng mềm: Nếu chỉ có kiến thức thôi mà thiếu kĩ năng thì cũng rất bất tiện nhé. Chưa kể bạn phải thích ứng linh hoạt trong quá trình săn học bổng. Mà kỹ năng mềm còn giúp bạn học tập và sinh sống tại một quốc gia khác nữa đấy. Mà kỹ năng cũng như kiến thức, nhiều lắm, học hoài không hết nên phải tích lũy dần dần nhé.
- Tâm lý: Như mình đã nói, đây chính là một cuộc đua đường trường, và mình đã phải làm việc với bản thân rất nhiều trên hành trình này. Là những lần phải căng mắt lên hay chờ đợi để canh được học bổng mình muốn. Hay phải chạy đôn chạy đáo để làm những thủ tục “hành” là “chính”. Còn cả những lần thất bại ngậm ngùi mà không biết chia sẻ cùng ai… Và còn nhiều nữa, vậy nên không chuẩn bị tinh thần từ đầu là dễ nản, dễ bỏ cuộc lắm đó.
- Tinh thần: Liệu sau khi có được học bổng rồi, bạn có dám bước ra khỏi vùng an toàn, rời xa vòng tay bảo bọc của gia đình để đến tự lập ở một vùng đất xa lạ? Nhớ nhà, shock văn hóa, thèm đồ ăn Việt Nam, cô đơn…, là những gì mà một du học sinh đã trải qua. Còn chưa kể ai đã có một nửa của mình rồi, các bạn đã chuẩn bị cho việc yêu xa chưa =))))
- Tài chính: Ai xin được học bổng rồi mà có gia cảnh tốt nữa thì sướng phải biết. Còn những bạn mà nhà không có điều kiện như mình thì cũng phải lưu ý nhé. Nếu bạn chỉ có học bổng học phí thôi, nghĩa là bạn cần phải tự chi trả cho sinh hoạt phí nữa đấy. Còn như mình, tuy đã nhận được học bổng toàn phần, được lo mọi thứ từ A -> Z luôn nhưng cũng phải tính trước khoảng chứng minh tài chính khi làm visa và sinh hoạt phí những tháng đầu nữa đó.
Có rất nhiều bạn chia sẻ với mình là cũng muốn xin học bổng để được đi du học. Nhưng đa phần trong số đó đều bị chùn bước khi biết được những yêu cầu cần có để apply vào chương trình học bổng nào đó. Bạn có muốn biết lý do là gì không? “Thôi em chịu, điểm như thế này sao mà xin học bổng được”, “biết vậy hồi đó ráng một chút để có bằng giỏi rồi”, “giờ học tiếng Anh sao kịp để lấy bằng đây”, “ủa cần phải có chứng chỉ ngoại khóa nữa hả?”…
Nguyên nhân đều do các bạn ấy “muốn” săn học bổng trễ quá, nên khi cơ hội chợt đến thì cũng muốn nắm lấy cũng không được nữa rồi. Nhưng mình không phải nói là những bạn đặt mục tiêu du học trễ đều không còn cơ hội săn học bổng nữa. Mà chỉ là các bạn nỗ lực nhiều hơn một chút, kèm theo đó là quyết tâm và tin tưởng vào bản thân thì nhất định các bạn sẽ làm được thôi.
3. Bước thứ ba: Xác định chuyên ngành và đất nước để du học
Mình muốn học chuyên ngành gì?
Các bạn cần phải hiểu là đi du học thì sẽ tốn cả “núi” tiền. Nếu có học bổng toàn phần đỡ phải lo chi phí các khoản thì cũng sẽ phải tốn thời gian – 4 năm đại học, 1 đến 2 năm thạc sĩ, là cả một khoảng trời thanh xuân chứ không đùa đâu. Đồng ý là đi du học sẽ mang lại rất nhiêu cái lợi, như được trải nghiệm, học hỏi, có thêm nhiều kỉ niệm blabla…
Nhưng mình không thể ích kỷ mà chỉ nghĩ cho bản thân được. Mình biết lý do muốn đi du học là gì, biết mình sẽ cần phải làm gì sau khi ra trường. Nếu gia đình dư giả quá rồi và bạn chỉ nghĩ đi du học chỉ để trải nghiệm cho vui thôi thì đơn giản rồi. Nhưng đối với một đứa đã từng nhìn ba mẹ chắt chiu từng đồng, có khi phải vay ngân hàng để đóng tiền học cho mình thì lại là một chuyện khác. Chính mình cũng đã phải thay đổi bản thân và cố gắng rất nhiều vì cái ước mơ này, nên không được bỏ phí!
Cũng mất một khoảng thời gian để xác định được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, và sau đó mình đã biết được mục tiêu của mình trong mảng leadership và ước mơ trở thành một diễn giả truyền cảm hứng, có thể giúp ích được cho nhiều người.
Thế là trong suốt khoảng thời gian học sinh, sinh viên mình đã tận dụng tối đa cơ hội để trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết. Và với những thành tự mà mình đã làm được cũng như ra trường với tấm bằng First Class Hournor chuyên ngành Business Management, càng cho con đường mình lựa chọn hoàn toàn đúng.
Thông qua việc tham gia các cuộc thi khởi nghiệp lớn nhỏ và kinh nghiệm khi làm việc partime, fulltime tại các doanh nghiệp mình đã xác định được cái ngách mà mình thật sự thích và muốn phát triển: Marketing và Tài chính.
Dưới đây là một số câu hỏi mình đặt ra khi chọn ngành theo học, các bạn tham khảo nhé:
- Đam mê của mình là gì?
- Điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì?
- Mình muốn trở thành một người như thế nào trong tương lai?
- Sau khi ra trường mình sẽ làm nghề gì?
- Cơ hội và tiềm năng phát triển của ngành nghề đó ra sao?
Đọc thêm: 5 cách giúp bạn xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân
Mình muốn học ở đâu?
Việc lựa chọn quốc gia để du học cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập cũng như tiềm năng và tương lai phát triển sau này nữa đó. Bạn phải xem xét thật kĩ lưỡng trước khi quyết định học ở một đất nước nào nhé. Bản thân mình thì có những tiêu chí để lựa chọn như sau:
- Có nhiều chương trình học bồng hay không?
- Mình có yêu thích/ thích nghi với văn hóa (bao gồm cả con người và phong tục) ở nước đó được hay không?
- Chi phí học tập/ sinh hoạt như thế nào?
- Điều kiện thời tiết như thế nào?
- Chính sách của quốc gia đó với du học sinh (có được hỗ trợ không? Đi làm thêm được bao nhiêu tiếng/tuần?, Học xong có được ở lại làm việc không…)
- Cơ hội và tiềm năng việc làm sau khi tốt nghiệp
Ban đầu thì mình thích được đến một quốc gia nào đó ở phương Tây, vì mình cực kì thích mùa đông có tuyết và muốn biết cảm giác đón Giáng Sinh – năm mới ở trời Tây nó như thế nào. Ngoài ra còn một lý do nữa vì mình chính là một fan cuồng của Harry Porter. Nên nhất quyết phải xin học bổng cho bằng được.
Mình tìm hiểu và chuẩn bị rất nhiều, rồi apply chương trình học bổng của rất nhiều nước như Canada, Mỹ, Hà Lan, Phần Lan, Áo…, và cũng được nhận các học bổng về học phí từ 30% – 100%, nhưng rồi mình quyết định bỏ hết. Vì có nước họ cấp học bổng cho mình nhưng với yêu cầu mình phải học bằng ngôn ngữ của học, có nước thì dù mình có thể nhận học bổng toàn phần học phí nhưng sinh hoạt phí cao quá và mình biết gia đình sẽ không có khả năng chi trả, v/v…
Lúc đó nhiều người cũng nói mình là bỏ công sức, tiền bạc, thời gian cho lắm rồi cuối cùng đổ sông đổ bể, nhưng theo mình thì không. Chính những sai lầm đó đã cho mình một lượng kiến thức và kinh nghiệm nhất định trong việc tìm và xin học bổng. Bắt đầu lại từ đầu thôi!
Cũng may vì mình là một đứa năng nổ, tham gia nhiều hoạt động, nên cũng đã quen biết và có kết nối với những thầy cô, anh chị, mentor xin xò. Sau mấy tháng trời nghe những câu chuyện và lời khuyên từ những vị đó, mình đã quyết định chuyển hướng từ Tây sang Đông. Và quốc gia mà nhiều người khuyên mình và cũng có review tốt nhất chính là Đài Loan. Mình bắt đầu tìm hiểu về quốc đảo xinh đẹp này, và rồi FALL IN LOVE luôn, vì đây chính là nơi trả lời được hết những câu hỏi mà mình đặt ra ở bên trên.
Qua câu chuyện của mình thì hi vọng mọi người hay có những cân nhắc cho thật kĩ lưỡng trước khi chọn ngành và quốc gia để đi du học nha, tránh trường hợp phải tốn quá nhiều thời gian và công sức như mình, nếu mà tâm lý không vững có khi gặp trường hợp như vậy xong là bỏ hết luôn đó.
4. Bước thứ tư: Tìm kiếm chương trình học bổng
Những tiêu chuẩn để chọn học bổng
Như đã đề cập ở trên, mình đã tham khảo việc du học ở rất nhiều quốc gia trước khi dừng lại với Đài Loan, vì thế mình cũng đã có kinh nghiệm tìm hiểu về rất nhiều loại học bổng của các nước. Các chương trình học bổng thì có rất nhiều luôn, nên mình không thể liệt kê hết ra ở đây được. Mình sẽ dành những bài riêng để chia sẻ thông tin về các chương trình học bổng đế cho các bạn nhé.
Còn ở phạm vi bài viết này, mình sẽ nói về những điều mà mọi người cần phải lưu ý khi tìm kiếm chương trình học bổng để tiết kiệm được thời gian và lựa chọn được học bổng phù hợp nhất với mình nhé.
- Học bổng đó ở đâu?: Đương nhiên rồi, bạn cần phải biết mình học ở đâu vì những lý do mà mình đã kể ở trên nhé.
- Dành cho đối tượng sinh viên ở quốc gia nào?: Mình đã tìm được rất nhiều học bổng phù hợp, nhưng khi chuẩn bị apply thì mới biết nó không dành cho sinh viên Việt Nam, vì thế bạn phải đọc cho thật kĩ phần giới thiệu nha.
- Học bổng đó dành cho sinh viên ngành nào và yêu cầu những gì?: Xem ngành học mà bạn muốn theo đuổi cũng như xác định đam mê của bản thân vì nó ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của bạn đó. Nếu ok rồi thì xem những yêu cầu của nó để biết mình có khả năng để đáp ứng không.
- Ai là người cấp học bổng cho bạn?: Học bổng không chỉ được cấp bởi trường đại học, mà còn có thể được trao bởi chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức… Theo đó sẽ có những quyền lợi và điều kiện riêng của từng đối tượng trao học bổng.
- Những quyền lợi khi bạn nhận được học bổng?: Khi săn học bổng có lẽ điều mà các bạn quan tâm đầu tiên là học bổng đó có giá trị bao nhiêu tiền. Nhưng đừng có chủ quan mà xem mỗi mục đó nhé. Cần phải biết nó được trao trong vòng bao nhiêu năm học, điều kiện từng năm ra sao, học bổng đó chi trả những mục nào, cách nhận tiền, chính sách việc làm… Nói chung là phải đọc thật kĩ mục này, kẻo nhiều khi bị hố đó.
- Những yêu cầu sau khi bạn học xong?: Với các loại học bổng thấp như 30% 50% học phí thì không đáng nói. Còn với những học bổng có giá trị cao hơn thì họ sẽ yêu cầu bạn phải đạt được thành tích nhất định nào đó trong quá trình học. Còn với các dạng học bổng chính phủ, doanh nghiệp thì bạn có thể được yêu cầu phải làm việc cho họ trong vòng một vài năm sau khi tốt nghiệp.
Vì mình đã xác định là phải dành được học bổng toàn phần (cả học phí + sinh hoạt phí) thì mình mới có thể đi du học được, nên những loại học bổng khác mình đều bỏ qua hết. Tuy biết là rất khó nhưng nó là con đường duy nhất nên mình quyết định cố gắng đến cùng. Nhiều lúc được offer những học bổng học phí 50% đến 100%, mình cũng từ chối hết luôn. Tùy vào mục tiêu mà các bạn hãy tìm kiếm những loại học bổng phù hợp với bản thân nhé.
Tìm kiếm học bổng như thế nào?
Tùy theo các loại học bổng mà bạn có thể tìm thấy chúng ở những kênh khác nhau. Nếu chưa có mục tiêu săn học bổng thì bạn nên tham khảo nhiều nguồn khác nhau để lựa chọn và xác định mục tiêu mà bạn muốn hướng đến. Dưới đây là những kênh thông tin mà mình dùng để tham khảo và tìm kiếm học bổng:
- Social media: Chủ yếu là các group trên Facebook, trên đó có rất nhiều thông tin học bổng và kinh nghiệm của những người đi trước được chia sẻ từng ngày luôn. Mình hay xem ở trang Scholarship for Vietnamese students, Scholarship Hunters và Nhóm Thợ Săn. Còn nếu đã biết mình muốn học ở quốc gia nào (X) thì cứ tìm kiếm “học bổng du học tại X” nhé.
- Website trường: Muốn săn học bổng của trường nào thì cứ vào trang web của trường để xem thông tin cụ thể các học bổng mà trường đó đang cấp.
- Website chính phủ: Tương tự, nếu bạn muốn tìm những học bổng được trao bởi chính phủ
- Website doanh nghiệp: Một vài doanh nghiệp cũng trao học bổng để ươm mầm cho các tài năng, tuy nhiên khả năng cao là bạn sẽ phải làm việc cho họ một vài năm sau khi tốt nghiệp.
- Các mối quan hệ: Mình đã chia sẻ ước mơ du học của mình đến với rất nhiều người, vì thế mỗi khi họ biết được học bổng nào tốt thì đều chia sẻ để mình tham khảo. Và học bổng mà mình vừa đạt được cũng từ một mentor siêu xịn sò của mình giới thiệu nhé. Có được sự hỗ trợ của mọi người vẫn tốt hơn tự tìm kiếm một mình mà.
5. Bước thứ năm: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để apply học bổng
Đây là cái bước LÊN CÒ mà mình nói nè. Sau khi đã nhắm được chương trình học bổng mà mình mong muốn xong thì việc tiếp theo là phải xem yêu cầu của người ta để thực hiện theo. Cũng giống như trước khi đi ra chiến trường thì các binh sĩ cần phải chuẩn bị đầy đủ vũ khí và đạn dược vậy. Ông nào mà chuẩn bị kĩ lưỡng hơn thì cơ hội thắng càng cao. Còn tới khi đã xáp lá cà mới biết quên mang thứ này, thứ kia, hay súng bị hư, thiếu đạn thì hỏng rồi.
Thực ra bộ hồ sơ để apply học bổng không phải đến bây giờ mới bạn chuẩn bị mà đã được tích lũy qua một thời gian (tùy mỗi người) từ cái BƯỚC THỨ HAI đến bây giờ rồi nè. Công đoạn ở bước này đơn giản chỉ là tổng hợp lại những thành quả mà bạn đã đạt được thôi. Ngoài ra thì tùy theo từng loại học bổng có các yêu cầu khác nhau thì mình sẽ chuẩn bị thêm một ít
Mình đã viết một bài riêng về Chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học Đài Loan như thế nào? Trong đó đã có đầy đủ những giấy tờ cần thiết cho hồ sơ của bạn, cũng như hướng dẫn cách thực hiện chúng như thế nào cho đúng, kèm theo đó là những tips kinh nghiệm riêng của mình nữa. Nếu các bạn đang muốn xin học bổng du học Đài Loan và cả những nước khác nữa, thì hãy đọc bài viết đó để chuẩn bị cho mình một bộ hồ sơ tốt nhất nha.
6. Bước cuối cùng: Vượt qua các vòng thử thách
Chuẩn bị vũ khí -> Nhắm bắn -> Lên cò, tất cả đều đã hoàn thành hết rồi, giờ thì chỉ còn BÓP CÒ để bắn nữa thôi. Đúng như một “chuyến đi săn” đúng nghĩa đen, khi đã có tất cả mọi thứ trong tay rồi thì thành hay bại đều phụ thuộc vào kỹ năng của bạn. Đã hiểu lý do vì sao ở bước 2 mình đã đề cập đến tầm quan trọng của việc chuẩn bị Kỹ Năng chưa?
Học bổng mà mình apply được trao cho sinh viên của 4 quốc gia ở Đông Nam Á và tuyển chọn ra 30 người. Để thành công nhận được học bổng mình đã phải trai qua 4 vòng từ lúc nộp hồ sơ đăng ký online đến 2 vòng phỏng vấn cuối cùng. Các bạn có thể hình dung ra được mức độ cạnh tranh và các bước tuyển chọn gắt gao như thế nào, vì đây là học bổng toàn phần nên độ khó của nó cũng sẽ cao hơn.
Chính những kinh nghiệm và kỹ năng mà mình đã tích lũy lại một lần nữa là vũ khĩ bí mật khiến bạn trở nên khác biệt với những “thợ săn” khác. Làm thế nào để nào để bài luận trở nên ấn tượng nhất? Trả lời phỏng vấn làm sao để thuyết phục được nhà xét tuyển? Sắp xếp thời gian để thực hiện hết những yêu cầu về giấy tờ và thủ tục trong thời gian ngắn?
Ở bước này mình muốn khuyên các bạn 2 điều:
- Đầu thứ nhất là hãy nâng cao trải nghiệm của bạn thân càng nhiều càng tốt, vượt ra khỏi ngoài vùng an toàn để khám phá thế giới. Không phải vì mình giỏi nên săn được học bổng, mà là vì mình đã thất bại đủ nhiều để rút ra các kinh nghiệm và bài học cho bản thân.
- Điều thứ hai là hãy chuẩn bị cho thật tốt, cứ luôn nhớ rằng PRACTICE MAKES PERFECT, nếu bạn đã bạn đã hoàn thành tốt khâu chuẩn bị rồi thì đây chính là lúc bạn trình diễn trên sân khấu và tỏa sáng mà thôi. Còn không thì bạn đã sẵn sàng an phận cho sự thất bại rồi đấy. Trừ khi bạn là người quá may mắn!
Nếu muốn biết thêm chi tiết về học bổng mà mình đã nhận cũng như các vòng thử thách mà mình đã vượt qua thì hãy xem bài viết Học bổng NCKU x CUB: Kinh nghiệm chinh phục các vòng xét tuyển khi xin học bổng nhé. Mình đã tổng hợp tất cả những kinh nghiệm cá nhân và tips để vượt qua các vòng xét tuyển dựa trên kinh nghiệm từ tất cả những lần xin học bổng khác nhau. Vì thế bài viết này cũng sẽ hữu ích cho các bạn muốn xin các học bổng khác nữa đó.