Mất định hướng trong cuộc sống là vấn đề khá phổ biến, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Mình đã có cơ hội được chia sẻ, tâm sự với rất nhiều bạn trong quá trình làm chủ nhiệm các câu lạc bộ, tham gia vào các tổ chức hay trong các hoạt động ở môi trường học đường. Vấn đề chung mà mình thấy nhiều bạn mắc phải là không hiểu rõ được bản thân mình. Từ đó dẫn đến mất phương hướng, không biết mình thật sự thích gì, muốn làm gì.
Đôi khi nó còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn như khiến các bạn ấy tự ti, luôn cảm thấy thua kém mọi người. Suốt ngày cứ tự trách mình kém cỏi, rồi luẩn quẩn mãi trong vòng lặp tiêu cực. Và nếu tình trạng này cứ kéo dài, có thể sẽ dẫn đến những vấn đề về tâm lý như trầm cảm.
Dưới đây là 5 cách giúp xác định điểm mạnh và điểm yếu mà mình đã tổng hợp lại dựa trên kinh nghiệm thực tế của bản thân. Mình cũng đã chia sẻ cho nhiều bạn áp dụng và hầu như đều hiệu quả, giúp các bạn ấy hiểu rõ bản thân hơn và tìm được giá trị riêng của mình. Các bạn cùng tham khảo thử nhé!
1. Phương pháp 360 degree feedback
Phương pháp này thường được sử dụng để đánh giá và thu thập ý kiến cá nhân trong doanh nghiệp. Mình đã được học từ một người thầy người Philippines trong một môn học về quản trị. Và kể từ khi biết đến nó, mình đã liên tục sử dụng mỗi ngày cho đến tận bây giờ.
Phương pháp 360 degree feedback là gì?
Nói một cách dễ hiểu, đây là quá trình thu thập những phản hồi và đánh giá từ những người sung quanh để xác định điểm mạnh và điểm yếu thực sự của bạn là gì.
Mình lấy một ví dụ nhé, nếu như bạn nhận được một lời khen đẹp trai từ một cô bạn cùng trường nào đó thì đừng vội nghĩ là mình đẹp trai thật. Có thể là vì cô ấy thích bạn nên thấy bạn đẹp thôi, cũng có thể cô ấy đang chuẩn bị nhờ bạn một cái gì đó, hoặc là một lời xã giao chẳng hạn. Nhưng nếu bạn được cả trường khen đẹp trai, thì có thể bạn đẹp trai thật đấy. Và nếu số lượng người công nhận vẻ đẹp của bạn càng nhiều thì khả năng đó càng cao.
Tương tự, nếu có một ai đó khen bạn có tài ăn nói thì có thể đó chỉ là cảm nhận của người đó thôi, nhưng nếu nhận được lời khen tương tự từ nhiều người thì đó có thể là điểm mạnh của bạn đấy. Dễ hiểu mà phải không!
Thực hiện 360 degree feedback như thế nào?
Điều các bạn cần làm đơn giản chỉ là xin phản hồi và đánh giá từ tất cả mọi người hiện diện xung quanh bạn (360 degree) bạn về một vấn đề gì đó mà bạn đang thực hiện, ví dụ như trình độ tiếng Anh, độ hài hước, tính sáng tạo, khả năng lãnh đạo… Và hãy nhớ, cố gắng lấy được feedback (phản hồi) càng nhiều càng tốt.
Đó có thể là bạn bè, thầy cô giáo, gia đình, người thân, đồng nghiệp… thậm chí là đối thủ và những người ghét bạn nữa. Miễn là có thể lấy được feedback thì lấy hết. Vì thu thập được càng nhiều thông tin, khả năng xác định điểm mạnh và điểm yếu của bạn càng chính xác.
Có rất nhiều cách để bạn có thể lấy feedback:
- Hỏi những câu hỏi trực tiếp. Ví dụ: Bạn thấy mình đẹp trai không?
- Lấy thông tin gián tiếp thông qua cuộc nói chuyện gián tiếp (khai thác thông tin mà không cần dùng đến câu hỏi trực tiếp như ở trên).
- Hỏi gián tiếp từ người khác. Ví dụ: Hỏi bạn thân cô gái mà bạn thích xem cô gái đó có thích bạn không?
- Thông qua mâu thuẫn (tận dụng những cuộc tranh luận để lấy feedback từ những người không thích bạn).
- Các cuộc khảo sát online.
- V/v…
Sử dụng 360 degree feedback sao cho hiệu quả?
Thông qua quá trình áp dụng phương pháp này, mình đã rút ra được những kinh nghiệm cho riêng mình để sử dụng 360 degree feedback hiệu quả dưới đây:
Điều thứ 1, KIÊN TRÌ. Mình đã sử dụng nó mỗi ngày để update bản thân liên tục. Vì như mình đã đề cập ở trên – càng có được nhiều feedback thì độ chính xác càng cao.
Điều thứ 2, HẠ CÁI TÔI XUỐNG. Để lấy được nhiều feedback và có được đánh giá đa chiều thì không chỉ tiếp nhận thông tin từ những người thân quen mà thậm chí là đối thủ hoặc những người ghét bạn. Vì thế sẽ không thể tránh khỏi những feedback tiêu cực hoặc lời nói khó nghe.
Lúc này mà mất kiểm soát bản thân hay nổi nóng lên là hỏng ngay. Phải hạ cái tôi mình xuống để đón nhận mọi thứ. Nếu cái nào sai thì bỏ qua và đón nhận những phản hồi đúng về những điểm hạn chế của mình để thay đổi nhé.
Điều thứ 3, KHÔNG CHỦ QUAN. Ngoài việc sử dụng 360 degree feedback để xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân mình còn dùng nó để đánh giá hiệu suất và hiệu quả làm việc nữa.
Dù bạn đã xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân thì cũng không thể chắc rằng trong mọi tình huống bạn đều đạt phong độ cao nhất. Vì vậy cần lắng nghe feedback thường xuyên để tìm ra hướng khắc phục kịp thời.
Điều thứ 4, KHÔNG CÓ GÌ LÀ TUYỆT ĐỐI. Ví dụ bạn rất giỏi lãnh đạo, nhưng chưa chắc phong cách lãnh đạo của mình đều phù hợp ở tất cả các tổ chức. Có thể ở chỗ A bạn được khen, nhưng đến chỗ B toàn bị chê. Đừng vội buồn mà hãy tỉnh táo để phân tích vấn đề. Bị chê không có nghĩa là bạn lãnh đạo kém, mà có thể là do cách tiếp cận của bạn chưa phù hợp mà thôi.
Điều thứ 5, TIẾP NHẬN NHỮNG ĐIỂM YẾU. Tương tự với những điểm mạnh, nếu có nhiều người nhận xét về một điểm nào đó mà bạn chưa tốt, ví dụ cách dạy học của bạn buồn ngủ quá, thì bạn hãy trân trọng vì họ đã giúp bạn nhận ra hạn chế của bản thân. Giờ chỉ còn việc cố gắng khắc phục khía cạnh đó nữa thôi. Cố lên nhé!
2. Xác định điểm mạnh và điểm yếu bằng mô hình MBTI
Mình đã tìm hiểu và sử dụng rất nhiều công cụ nghiên cứu về bản thân, và một trong những công cụ mình đánh giá là hiệu quả và chính xác nhất chính là mô hình MBTI này.
Mô hình MBTI là gì?
MBIT là một mô hình được sử dụng khá phổ biến trong việc nghiên cứu về các đặc điểm tính cách và tâm lý của con người để xác định điểm mạnh và điểm yếu, nhằm mục đích định hướng nghề nghiệp và phát huy hiệu quả tiềm năng của họ.
Được viết tắt bởi cụm từ Myers–Briggs Type Indicator, MBTI bao gồm 1 bảng câu hỏi gồm 70 câu trắc nghiệm (có thể ít/nhiều hơn một vài câu tùy vào chỗ test) khá đơn giản về tâm lý, giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân mình. Kết quả được dựa trên 4 tiêu chí tương ứng với 4 cặp yếu tố đối lập nhau, bao gồm:
- Xu hướng Tự nhiên: Hướng ngoại: (Extroversion) – Hướng nội (Introversion) => E hay I
- Cách nhận thức thế giới: Giác quan: (Sensing) – Trực giác (INtution) => S hay N
- Cách đưa ra quyết định và lựa chọn: Lý trí (Thinking) – Tình cảm (Feeling) => T hay F
- Cách thức và Hành động: Nguyên tắc: (Judgment) – Linh hoạt (Perception) => J hay P
Sau đó ghép 4 yếu tố đó lại thành 16 nhóm tính cách khác nhau, mỗi nhóm tính cách có những điểm mạnh và những điểm yếu riêng chính xác với những đặc điểm của họ.
Thực hiện mô hình MBTI như thế nào?
Bạn có thể tìm thấy những bài test MBTI ở rất nhiều website khi tìm kiếm trên Google, từ các trang trong nước và nước ngoài. Nhiệm vụ còn lại của bạn rất đơn giản. Chỉ cần kiên nhẫn trả lời hết những câu hỏi trắc nghiệm đó rồi nộp đáp án để xem kết quả của bạn.
Cuối cùng là đọc cho thật kĩ những thông tin về kết quả của bạn, ví dụ bạn thuộc nhóm ISTJ – Người trách nhiệm, ENFP – người truyền cảm hứng, ENFJ – người cho đi… Thông tin kết qua rất chi tiết bao gồm:
- Tổng quan về nhóm tính cách.
- Xu hướng trong các mối quan hệ.
- Điểm mạnh và điểm yếu.
- Các nguyên tắc để thành công (bao gồm phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm).
- Nghề nghiệp phù hợp
Tin mình đi, bạn sẽ ngạc nhiên về độ chính xác cũng như tính hữu ích mà các thông tin từ kết quả mang lại đấy.
Sử dụng MBTI sao cho hiệu quả?
Điều thứ 1, THẬT LÒNG. Hãy trả lời những câu hỏi một cách thành thật nhất với bản thân của mình, có như thế thì kết quả mới chính xác được. Đừng thấy câu nào hay hơn thì chọn nhé.
Điều thứ 2: KIỂM CHỨNG. Bản có thể dùng nhiều cách để chứng minh những thông tin trong đó có đúng với bản thân mình không. Mình khuyến khích sử dụng 360 degree feedback nhé, vì nó vừa tiện vừa hiệu quả. Nếu thấy không đúng có thể làm lại một lần nữa, và lần này hãy cố gắng trả lời thật lòng hơn.
Điều thứ 3, THỰC HÀNH. Sau khi xác định được điểm mạnh và điểm yếu của mình, bạn hãy bắt tay ngay vào việc phát huy hoặc thay đổi những điểm cần thiết nhé. Vì 4 tiêu chí đánh giá của MBTI hoàn toàn có thể thay đổi được, ví dụ, mình đang thuộc nhóm ENFP – người truyền cảm hứng nhưng mình thấy cần thay Thinking – T (lý trí) và Judgement – J (nguyên tắc) hơn để trở thành một người lãnh đạo tốt, thì mình hoàn toàn có thể cố gắng để cải thiện hoặc thay đổi chúng được nhé. Nhóm nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu riêng cả.
Hiện này có rất nhiều website hỗ trợ bài kiểm tra MBTI nhưng có nhiều chỗ câu hỏi không được chính xác, hoặc làm xong bài test rồi phải làm rất nhiều bước nữa mới nhận được kết quả, có khi không nhận được luôn. Để tiết kiệm thời gian tìm kiếm hoặc tốn công làm mà không có kết quả, bạn có thể làm bài test MBTI ở TOP CV tại đây nhé. Mình thấy các câu hỏi được thiết kế rất chuẩn, giao diện dễ làm và cho kết quả cũng rất nhanh chóng, chi tiết và chính xác nữa.
3. Kiểm tra não thuận
Kiểm tra não thuận để làm gì?
Khối óc của chúng ta được chia ra làm hai phần: Não trái và não phải. Mỗi bên não sẽ có nhiệm vụ thu thập và xử lý cá thông tin khác nhau. Việc xác định não thuận giúp bạn hiểu rõ hơn xu hướng hoạt động chính của não, từ đó xác định điểm mạnh và điểm yếu một cách chính xác.
- Não trái: Chịu trách nhiệm về các hoạt động tư duy logic, tính toán, ngôn ngữ, phân tích… nói chung là bao gồm tất cả các yếu tố liên quan đến suy luận và lập luận. Những người thuận não trái mà mình quen biết có tư duy rất nhạy bén, sống có nguyên tắc, lý trí và có đầu óc tổ chức cao.
- Não phải: Chịu trách nhiệm về các hoạt động nghệ thuật bao gồm việc xử lý các thông tin về âm thanh, hình ảnh, trí tưởng tượng, suy nghĩ trừu tượng, làm chủ không gian… Những người thuận não phải mà mình biết thường có xu hướng nghệ sĩ, tính sáng tạo cao. Họ thường thích các hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, viết lách, diễn thuyết. Những người này còn rất giàu cảm xúc nữa.
Thông thường mỗi ngườ sẽ thuận một bên não hơn một bên còn lại, nhưng cũng có người sử dụng linh hoạt chức năng của hai bán cầu não trong các trường hợp khác nhau.
Kiểm tra não thuận như thế nào?
Nếu có sự can thiệp của y học hay máy đo não, đo chỉ số IQ thì nó sẽ cho bạn biết được con số chính xác nhất về sự thông minh cũng như não thuận của ban. Tuy nhiên, vẫn có phương pháp khác giúp bạn có thể xác định được thắc mắc của bộ não mà không cần dùng đến những phương pháp đó.
Ở trên mạng có rất nhiều hình ảnh dùng để kiểm tra não thuận. Mình đã thử nghiệm trên bản thân cũng như với nhiều người khác thì thấy chỉ có hình ảnh dưới đây là đúng nhất. Và đây cũng là hình ảnh đươc thầy mình giảng dạy khi kiểm tra não bộ. Các bạn cũng thử xem nhé!
Bạn thấy cô gái đang xoay thuận chiều hay ngược chiều kim đồng hồ?
Đáp án: Nếu thấy cô gái xoay ngược chiều kim đồng hồ thì bạn có xu hướng thiên về não trái hơn, còn nếu cô gái xoay thuận chiều kim đồng hồ thì chứng tỏ bạn dùng não phải của mình tốt hơn đấy.
Thuận não trái thì sẽ không phù hợp làm những việc của não phải, và ngược lại?
Nếu bạn có suy nghĩ như vậy thì hoài toàn SAI rồi nhé!
Việc bạn thuận não nào hơn cũng không có nghĩa bạn là chuyên gia hay giỏi các lĩnh vực liên quan đến bán cầu não đó phụ trách. Nó chỉ giúp bạn xác định điểm mạnh và điểm yếu của bạn mà thôi. Ví dụ, nếu bạn là một người thuận não phải, nghĩa là khả năng về nghệ thuật, viết lách, tư duy trừu tượng của bạn có thể sẽ mạnh hơn những công việc và hoạt động liên quan đến tính toán, tư duy logic…
Việc bạn sử dụng bán cầu não nào cũng tùy vào từng tình huống nữa nhé. Mình là một người thuận não phải, nhưng những lúc cần làm những việc cần suy nghĩ logic hay tính toán, đòi hỏi suy nghĩ cao thì não trái của mình sẽ LÊN NGÔI. Bình thường mình nhìn hình ở trên chỉ toàn thấy nó xoay thuận chiều kim đồng hồ thôi, nhưng những lúc vừa giải mật thư xong hoặc làm toán hay suy nghĩ kế hoạch, chiến lược, mình mở ảnh này lên nhìn lại thì lại thấy nó xoay ngược chiều kim đồng hồ. Bản có thể thử xem sao nhé!
Nếu muốn phát huy và tăng sức mạnh cho bán cầu não nào, bạn hoàn toàn có thể thông qua rèn luyện để phát triển nó. Mình thường tập thể dục cho não bằng các cách sau:
- Đọc sách
- Giải mật thư hoặc giải những câu đố, trò chơi trí tuệ
- Nói chuyện với những người giỏi
- Trải nghiệm thực tế
- Chơi thể thao (ngoài nâng cao sức khỏe thể chất, còn giúp tinh thần sảng khoái lắm đấy)
- Chơi nhạc cụ
- Suy nghĩ tích cực
- Mở rộng thế giới quan
- V/v…
4. Lắng nghe bản thân
Ok, ở trên mình đã chia sẻ cho các bạn những công cụ đắc lực mà mình đã sử dụng để xác định điểm mạnh và điểm yếu của mình rồi. Tuy nhiên, 3 phương pháp ở trên đều mang cơ chế xác định từ ngoài vào trong. Nhưng bạn đừng quên, dù có công cụ hay phương pháp gì đi chăng nữa thì chính bạn mới là người hiểu rõ bản thân của mình nhất.
3 câu hỏi làm thay đổi cuộc đời
Thay vì gõ trên mạng về cách xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân hay đi hỏi những người khác xem họ đã làm như thế nào, thì liệu đã bao giờ bạn tự hỏi xem thật sự bản thân mình thích gì chưa?
Vài bạn sẽ trả lời ngay rằng đã thử hỏi bản thân câu hỏi đó nhưng vẫn chẳng biết mình thích cái gì, mạnh chỗ nào. Không sao, mình hiểu mà, vì mình cũng đã từng như vậy cho đến khi mình biết và trả lời được 3 câu hỏi làm thay đổi cuộc đời của mình:
- Câu hỏi thứ nhất: Mình là ai?
- Câu hỏi thứ hai: Mình được sinh ra trên đời với mục đích gì?
- Câu hỏi thứ ba: Mình phải làm gì để hoàn thành mục đích đó?
Đã bao giờ có ai đã hỏi bạn những câu tương tự như vậy chưa? Và bạn đã bao giờ thử trả lời chúng chưa chưa? Ở phạm vi bài viết này mình sẽ để cho các bạn tự mình trả lời trước đã nhé. Và mình sẽ viết một bài viết sau để chia sẻ cho các bạn về cách mà mình trả lời 3 câu hỏi đó.
Việc lắng nghe bản thân quan trọng như thế nào?
Mỗi người chúng ta đều sống trong 2 thế giới. Thứ nhất là thế giới bên ngoài, nơi chúng ta hằng ngày phải tiếp xúc, tương tác với người, vật, hiện tượng và sự kiện xảy ra xung quanh mình. Nói cách khác, đó là một thế giới hữu hình, nơi chúng ta có thể dễ dàng nhìn được bằng mắt thường. Và thế giới thứ hai tồn tại ngay chính bên trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Nơi mà bạn chỉ có thể thấy khi “nhìn” nó bằng con tim.
Nhưng đa số chúng ta vì hằng ngày đều bị cuốn theo những điều ở ngoài kia mà quên đi mất góc nhỏ của riêng mình. Mà đó lại chính là nơi cất giấu toàn bộ đáp án cho những bí mật về bản thân của bạn – kể cả câu hỏi điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?
Ví dụ nhé, thử nhắm mắt lại một lúc, đặt bàn tay lên ngực, lắng nghe con tìm của mình, rồi xem thử bạn tìm đáp án xem bạn thuận não trái hay não phải? Chẳng phải bạn đã có ngay câu trả lời cho mình mà không cần sự can thiệp của bất kì công cụ hay phương pháp nào đó sao. Bạn thích tính toán, suy luận logic, tuân theo các quy định hơn? – Hay bạn là người yêu thích nghệ thuật, muốn tự do tự tại và có một tâm hồn bay bổng? Bạn đã tìm ra ĐÁP ÁN rồi đấy.
Cái thế giới bị lãng quên ấy bắt đầu được xây dựng từ lúc bạn bắt đầu cất tiếng khóc đầu tiên trên cuộc đời này, và mãi cho đến tận bây giờ. Nó được tô điểm bằng chính những câu chuyện, những trải nghiệm và nhận thức của riêng mỗi người. Vì thế “Nó” của mỗi người hoàn toàn khác nhau.
Mà chính “Nó” lại là người luôn quan sát, dõi theo bạn trong mọi phút giây mà bạn hiện diện trên cuộc đời này, cùng bạn vượt qua mọi việc trong cuộc sống. Vậy, ai là người hiếu chúng ta nhất? Đi tìm đâu cho xa tận chân trời, mà điều gần ngay trước mắt lại bị bỏ qua.
Làm thế nào để kết nối với bản thân?
Sau khi nhận ra tầm quan trọng của việc lắng nghe bản thân, mình đã bắt đầu dành thời gian nhiều hơn để kết nối với người bạn vô hình ở bên trong mình. Ban đầu thì rất khó khăn đấy, một phần là vì chưa quen, một phần là thấy giống như bị tự kỷ sao sao ấy =)))) Nhưng thử kiên nhẫn một thời gian đi, bạn sẽ phải bất ngờ về những thay đổi của chính mình đấy.
Muốn hàn gắn mối quan hệ với một ai đó thì bạn cần phải dành nhiều thời gian cho người đó hơn, và làm những hoạt động cùng nhau, phải không? Và đây là những cách mà mình đã làm với “người bạn thân” của mình nè:
- Đọc sách – nhớ chiêm nghiệm những thông tin đã đọc cùng với “cậu bạn thân” để áp dụng trong cuộc sống nhé.
- Thiền định – cái này mình không nói nhiều nữa, chỉ khuyên các bạn thử ngay và luôn nhé.
- Rèn luyện sức khỏe – khỏe cùng nhau thì mới có sức vui cùng nhau chứ.
- Tự tạo động lực cho bản thân – bạn đã bao giờ nghe đến “Động lực bên trong” chưa?
- Bao dung với chính mình – con người chẳng có ai là hoàn hảo cả, thì thế hãy tha thứ cho những thiếu sót của mình nhé.
- Suy nghĩ lạc quan – khi gặp một vấn đề nào đó trong cuộc sống thì mình thường là người tự động viên bản thân trước, rằng cứ cố gắng lên, mọi chuyện sẽ ổn thôi.
5. Thất bại
Bạn đã từng xem bất kỳ bộ phim/truyện nào trong bộ tiểu thuyết của Kim Dung chưa? Hay đơn giản là những bộ manga, vũ trụ siêu anh hùng của Marvel/DC… Các bạn có thấy điểm chung của nhân vật chính (main) trong những tác phẩm đó là gì không?
Là đầu truyện thì yếu như sên, hoặc may mắn thì được tác giả “ban” cho một chút sức mạnh đặc biệt. Nhưng đến khi đối mặt với phe phản diện thì lại bị đấm cho không trượt phát nào =)) Phải bị “ăn hành” năm lần bảy lượt, rồi mới tìm ra bí kíp võ công, lĩnh hội được tuyệt kĩ nào đó. Và cuối cùng là KHAI PHÁ SỨC MẠNH của bản thân để tạo ra một cái kết thật viên mãn.
Nếu bạn thấy những ví dụ đó khập khiễng quá thì cứ hãy hình vào những thiên tài hay những tỷ phú nổi tiếng mà xem. Thomas Edison đã thất bại bao nhiêu lần trước khi phát minh ra bóng đèn điện? Hay câu chuyện kinh điển về “30 lần xin việc đều không được nhận” của Jack Ma, đến nổi 23/24 người đi xin việc đều được nhận – trừ ông ra. Ngay cả một thiên tài về sáng tạo, ông trùm giải trí của thế Kỷ 20 – Walt Disney cũng từng bị sa thải vì ông “thiếu sáng tạo”… Và còn rất rất nhiều nữa.
Có thể bạn nghĩ rằng vì họ đã có tài năng thiên phú rồi nên mới làm được như vậy. Vâng, mình HOÀN TOÀN ĐỒNG Ý với điều đó. Những thử nghĩ xem, làm như thế nào để học có thể phát huy hết những tiềm năng mà thượng đế đã ban cho để trở thành những con người vĩ đại như vậy? Câu trả lời chính là THẤT BẠI đấy.
Sau khi đã dùng đủ thứ công cụ, phương pháp hỗ trợ cũng như “tự làm việc” với bản thân để xác định điểm mạnh và điểm yếu của mình, thì đây chính là bước cuối để đánh giá những nhận định đó. Vâng, để có được THẤT BẠI thì bạn phải THỰC HÀNH trước đã, vì hai điều này phải đi đôi với nhau. Tất nhiên nếu bạn làm mà thành công ngay thì càng tốt nhé.
Nhưng mình dám chắc rằng những bước đi đầu tiên vượt ra khỏi vùng an toàn không hề dễ dàng một chút nào. Sẽ có lúc gặp khó khăn, thử thách làm bạn nản lòng đấy. Còn chưa kể việc chiếc thuyền nhỏ lần đầu ra khơi bị sóng lớn vả cho sấp mặt nữa. Nhưng nếu chưa đánh mà đã sợ thua thì chẳng có điển tích Triệu Vân một mình địch vạn quân hay Võ Tòng tay không đánh hổ rồi.
Chính những THẤT BẠI chính là cách tốt nhất để bạn biết được khả năng của mình đang ở đâu, mình có những ưu điểm hay hạn chế gì. Và chính trong những nghịch cảnh đó bạn mới có thể bộc lộ hết được khả năng tiềm ẩn của chính mình. Phượng Hoàng sẽ được hồi sinh từ đống tro tàn – và khi bị dồn đến đường cùng, bạn sẽ bất ngờ về khả năng vô hạn của bản thân đấy.
Thất bại là mẹ thành công...
Nhưng đã đến lục bạn trường thành rồi, vậy nên đừng có phụ thuộc vào “Mẹ” của mình nhiều quá nhé.
Để thất bại bạn cần phải trải nghiệm, như thế sẽ giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân và mở rộng thế giới quan, đó là một điều tốt. Nhưng nếu thất bại nhiều quá trong một thời gian đủ lâu cũng sẽ dễ khiến bạn sinh ra buồn chán, tự ti, dễ dẫn đến các vấn đề về tâm lý. Còn chưa kể là làm lãng phí các cơ hội, tiêu tốn nguồn lực, tiền của…
Vậy phải làm thế nào? Các bạn có thể áp dụng thử sử dụng những phương pháp mà mình đã sử dụng nhé:
- Học từ thất bại của người khác: Thông qua đọc sách hoặc những cuộc nói chuyện với những người đã thành công.
- Tìm kiếm mentor: Bằng kiến thức và kinh nghiệm, họ có thể giúp bạn tránh khỏi những sai lầm không đáng có đấy.
- Lên kế hoạch cho những rủi ro: Nó sẽ giúp các bạn không bị thụ động trước mọi tình huống.
- Chia nhỏ mục tiêu: Việc đạt được những thành quả nhỏ sẽ giúp bạn tự tin hơn và có thêm động lực. Bạn cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý tiến độ thực hiện mục tiêu của mình.
- Tìm những người đồng hành: Những người đồng hành “phù hợp” vừa giúp bạn bền bỉ hơn trên những chặng đường dài, vừa san sẻ mọi điều cùng bạn nữa. Nhưng mà nhớ là phải PHÙ HỢP nhé.
Đây là những phương pháp tốt nhất giúp xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân mà mình đã tích lũy được trong suốt những năm qua. Hi vọng sẽ giúp cho các bạn tự tin hơn và tìm được con đường chân ái của mình.
Đừng quên để lại những comment và theo dõi kênh Censtory để cho mình thêm động lực viết những bài chia sẻ thật hay đến cho các bạn nhé!